Mía đường sẽ ngọt hơn trong năm 2020

Nhu cầu tăng trong khi hầu hết các nước sản xuất đường xuất khẩu đều giảm sản lượng.

Ngày đăng: 15-08-2020

780 lượt xem

Theo Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á, thị trường tiêu thụ mặt hàng đường thế giới đang có sự thay đổi ngược chiều, từ dư cung trong thời gian giữa năm 2019 về trước, đến tăng cầu từ đầu năm 2020 bởi sản lượng đường của các quốc gia chuyên xuất khẩu đường trên thế giới (như Ấn Độ, Pakistan, Mexico, Úc, Thái Lan...) đang sụt giảm. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu đường của nhiều nước ngày càng tăng, khiến khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng rõ nét.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, từ đầu năm 2020 nhiều nước trong khu vực châu Á và thế giới đang tăng nhập khẩu đường. Cụ thể như Malaysia tăng nhập khẩu đường từ Thái Lan, dự kiến sẽ đến gần 100 nghìn tấn trong năm 2020. Indonesia vốn là quốc gia xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới nhưng hiện nay, nước này lại đang đang dẫn đầu toàn cầu về…nhập khẩu đường (nhiều hơn cả Trung Quốc)!

Năm 2019 Indonesia sản xuất 2,1 triệu tấn đường (giảm hơn năm trước đó gần 700.000 tấn). Trong khi sản lượng đường tiêu thụ của Indonesia ở mức 6 triệu tấn/năm. Vì vậy nước này phải nhập khẩu bù đắp trên 3 triệu tấn đường trong năm 2020. Các quốc gia khu vực châu Âu đã nhập khẩu khoảng 135.000 tấn đường trong hai tháng đầu năm 2020, tăng 25% so với cùng kỳ 2019.

Nhu cầu tăng trong khi hầu hết các nước sản xuất đường xuất khẩu đều giảm sản lượng. Tại Ấn Độ, đến hết tháng 2/2020, nước này có 446 nhà máy sản xuất hơn 14,1 triệu tấn đường, giảm 24% so với năm 2019. Thái Lan trong niên vụ 2019 - 2020, sản lượng đường chỉ đạt 9,5 triệu tấn, giảm 28% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 9 năm qua. Do thời tiết khô hạn kéo dài xảy ra khắp 14 tỉnh, thành thuộc miền Trung, Nam và Đông Bắc Thái Lan, khiến sản lượng đường giảm.

Tại Pakistan, ngay từ đầu năm 2020, Chính phủ nước này quyết định cấm xuất khẩu đường để hạn chế việc tăng giá trong nước (ban đầu, Pakistan đã cam kết xuất khẩu 300.000 tấn đường và đã chuyển đi 100.000 tấn trước khi có quyết định trên). Và lần đầu tiên sau 8 năm, Pakistan quyết định nhập khẩu trở lại 300.000 tấn đường để kiểm soát giá cả trong nước… Từ sự suy giảm sản lượng đường ở các nước này đã đẩy giá đường tăng mạnh từ đầu năm 2020, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt trong niên vụ 2019 – 2020 và giá đường được dự báo sẽ còn tăng tích cực. Đây sẽ là cơ hội của người trồng mía và các doanh nghiệp mía đường tại Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công (Biên Hòa) nhận định, giá đường trong nước chịu tác động của thế giới, nên cũng có xu hướng gia tăng. Thực tế trên thị trường hàng hóa nội địa, từ tháng 1/2020 đã có đường nhập khẩu chính thức áp dụng theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA-là Việt Nam xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đối với các nước ASEAN).

Giá đường nhập khẩu bán lẻ trong nước sau Tết Nguyên đán thấp hơn đường sản xuất trong nước ở mức từ 1.000 đồng – 1.800 đồng/kg, tuy vậy các nhà máy đường vẫn tiêu thụ tốt lượng hàng sản xuất trong niên vụ 2019 – 2020. Bên cạnh đó, đường nhập khẩu theo ATIGA chưa nhiều, diễn biến thị trường đường trong nước vẫn lệ thuộc lớn vào diễn biến thế giới, nên nhà nông trồng mía và doanh nghiệp sản xuất đường hiện vẫn thuận lợi hơn cùng kỳ các năm trước.

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, hiện nay Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp ứng phó với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Cụ thể, kiến nghị chỉ cho phép nhập đường thô để tinh luyện và áp dụng việc cấp phép nhập khẩu để theo dõi lượng đường nhập khẩu, nhằm đảm bảo điều tiết cung cầu tại các thời điểm nhất định ở thị trường trong nước; Kịp thời đề xuất biện pháp phòng vệ hoặc chống bán phá giá theo Luật Quản lý ngoại thương.

KMC tổng hợp từ TBNH( t/g: Thanh Thanh)


CÔNG TY TNHH TMDV PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT KIM MINH

Vp: 38/3B Ấp Tây Lân, Xã Bà Điểm, Huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh

Tel: (028) 62723652 | Hp: 0903368611-0986368611  | Zalo: @Kimminhco

Email: kimminhtrading@gmail.com | kimminhco.611@gmail.com

Webside:  www.kimminhco.com | www.kimminhgroup.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

HOTLINE

0903.368.611

0986.368.611

 

SẢN PHẨM

THỐNG KÊ

Tổng truy cập 571,863

Đang online2